Nông dân chăm sóc trà lúa Đông Xuân
Đến thời điểm này, toàn huyện Trần Đề cơ bản đã xuống giống dứt điểm vụ lúa Đông Xuân năm 2022 – 2023, với diện tích đạt gần 22.500 ha. Diện tích xuống giống dù đạt kế hoạch đề ra, nhưng tiến độ có phần chậm hơn so cùng kỳ. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Nam bộ và Tổng Cục Thủy lợi, xâm nhập mặn mùa khô năm nay sẽ đếm sớm và vào sâu hơn so với mọi năm, nhưng không diễn ra gay gắt như mùa khô của năm 2015 - 2016 và 2019 – 2020. Những trà lúa xuống giống trễ sẽ tiến hành thu hoạch sau Tết Nguyên đán, giai đoạn này ẩm độ thấp, nắng nóng kéo dài, nhờ vậy khả năng quang hợp trên cây lúa tốt, giúp lúa đạt năng suất và chất lượng cao hơn so với phần diện tích thu hoạch trước Tết. Vì vậy, sự chậm trễ trong quá trình gieo sạ không gây ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất chung của huyện, mà là một trong những phương án đã được bà con nông dân tính toán nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn trong vụ lúa năm nay. Nông dân Trần Đa Na ở ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề cho biết: “Năm nay tôi xuống giống trễ hơn mọi năm vì không sợ thiếu nước, do hạn, mặn không gay gắt. Thu hoạch sau Tết chừng nửa tháng thì năng suất sẽ cao hơn so với thu hoạch sớm vì lúa trổ bông không ngay những tháng lạnh như cuối năm. Giá bán thường cũng cao hơn nữa”.
Tại huyện Kế Sách, mặc dù ít chịu tác động từ xâm nhập mặn, nhưng trong những năm hạn mặn xảy ra gay gắt, nhiều diện tích lúa tại huyện cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Riêng trong vụ Đông Xuân năm nay, từ dự báo có phần khả quan hơn về nguy cơ xâm nhập mặn, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã tranh thủ xuống giống dứt điểm ngay từ đầu tháng 10 dương lịch để bố trí sản xuất được 3 vụ lúa/năm. Đến nay, toàn huyện đã gieo sạ được 8.835 ha, trà lúa đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến đòng. Nguồn nước đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất đầu vụ, tình hình dịch hại trên cây lúa xảy ra ít hơn so với hằng năm, bà con nông dân đang nỗ lực chăm sóc để có được một vụ lúa “ăn chắc”. Nông dân Nguyễn Vũ Tân, ấp Xóm Đồng 2, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách cho biết thêm: “Năm nay tôi sạ giống OM504, hôm nay là được 30 ngày rồi, thấy lúa phát triển rất đạt. Lúa được khoảng 20 ngày là bắt đầu ngừa đạo ôn và sâu bệnh, đến 30 ngày lặp lại một lần nữa. Xuống giống sớm từ ngày mùng 9/9 để kịp làm được 3 vụ”.
Vụ lúa Đông Xuân 2022 – 2023, tại tỉnh Sóc Trăng hiện đã xuống giống được gần 80.000 ha, đạt gần 50% so kế hoạch. Giá vật tư đầu vào hiện vẫn còn ở mức cao, trong khi thời tiết giai đoạn cuối năm thường có diễn biến phức tạp. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân tuyệt đối không nên chủ quan, cần áp dụng tốt các gói kỹ thuật tiến bộ trong canh tác để giảm giá thành sản xuất, tăng giá trị lợi nhuận. Đồng thời, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ để gia tăng chất lượng hạt gạo. Đồng chí Vương Bích Vân - Trưởng Phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Chúng tôi khuyến cáo bà con cần áp dụng đúng giải pháp canh tác theo hướng “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng”, cần hạn chế bón thừa phân đạm để giúp cây lúa cứng cáp. Đồng thời, bón thêm một số loại phân bón trung vi lượng để hạn chế lúa bị đổ ngã. Bên cạnh đó, cần theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn để bón phân hợp lý, đúng thời điểm, đảm bảo hiệu quả sử dụng phân bón tốt nhất”.
Lúa Đông Xuân là vụ lúa mang tính quyết định đến sản lượng lúa hằng năm của tỉnh, nên rất được ngành chuyên môn và bà con nông dân Sóc Trăng chú trọng, từ khâu bố trí lịch thời vụ đến cơ cấu giống và giải pháp canh tác... Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả sản xuất tốt nhất trong vụ lúa Đông Xuân năm nay, bù đắp lại một phần năng suất đã thất thoát trong vụ Hè Thu vừa qua do ảnh hưởng của điều kiện mưa bão kéo dài.
Ngọc Thơ